Ngày 2/4, tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Alibaba Cloud đã chính thức giới thiệu trợ lý mã hóa của mình, được xem là “nhân viên AI” đầu tiên của tập đoàn mang tên “Tongyi Lingma”.
✨ ĐỌC RỒI, XEM RỒI > chán mắt quá rồi > tìm hiểu ngay đây Wordpress Theme premium nguồn cấp phát sạch Wordpress Plugin freemium tải ngay miễn phí > tại đây nhé !
Bên cạnh đó, Tongyi Lingma còn được cấp cả mã số nhân viên chính thức (AI001), thẻ nhân viên, giấy phép làm việc và sơ yếu lý lịch.
Được biết, tất cả nhân viên đều có thể truy cập và sử dụng trợ lý AI này. Alibaba đã thông báo rằng Tongyi Lingma được thiết kế chủ yếu để hỗ trợ hầu hết các tác vụ lập trình, chẳng hạn như viết mã, tối ưu hóa, gỡ lỗi và thử nghiệm.
Công ty công nghệ này dự đoán rằng Tongyi Lingma sẽ hỗ trợ viết ít nhất 20% mã của công ty trong tương lai, có khả năng giúp các lập trình viên tiết kiệm đến hàng giờ làm việc. Một nhân viên của Alibaba cho biết: “Lập trình viên vẫn là cốt lõi của hoạt động nghiên cứu và phát triển. AI sẽ cho phép họ có nhiều thời gian hơn để tập trung vào thiết kế hệ thống và công việc phát triển kinh doanh cốt lõi”.
Theo Alibaba, Tongyi Lingma thành thạo hơn 200 ngôn ngữ lập trình và xuất sắc 16 ngôn ngữ. Thử nghiệm chính thức cho thấy nó đặc biệt có khả năng nhận biết nhiều tệp và khả năng thích ứng với môi trường làm việc của Alibaba Cloud.
Ra mắt vào tháng 10/2023, AI được Alibaba Cloud và Tongyi Lab xây dựng trên mô hình ngôn ngữ lớn Tongyi và đã vượt qua 2 triệu lượt tải xuống.
Infoq, một cộng đồng lập trình trực tuyến cho thấy trong khi GitHub Copilot (một công cụ hoàn thiện mã được phát triển bởi GitHub và OpenAI) dẫn đầu về tỷ lệ sử dụng trong số các trợ lý lập trình AI ở Trung Quốc với tỷ lệ 64,5% thì Tongyi Lingma nổi bật là sản phẩm duy nhất có tỷ lệ sử dụng vượt quá 10% trong nước, chiếm 12,9% thị trường.
Tuy nhiên, Tongyi Lingma không phải là trợ lý mã hóa được hỗ trợ bởi AI đầu tiên của Trung Quốc. Tháng 4/2023, công ty công nghệ Baidu từng ra mắt nội bộ Baidu Comate, phát triển từ mô hình ngôn ngữ lớn Ernie và đã được hơn 80% kỹ sư của công ty áp dụng.
Sau thông báo của Alibaba, nhiều người trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc cũng cho rằng các công cụ AI như vậy có thể giúp giảm bớt khối lượng công việc nặng nề cho các nhà phát triển. Theo báo cáo năm 2023 của Mạng lưới nhà phát triển phần mềm Trung Quốc (CSDN), hơn 60% lập trình viên Trung Quốc làm việc vượt quá tiêu chuẩn 40 giờ một tuần.
Tuy nhiên, việc áp dụng nhanh chóng các trợ lý AI đã làm dấy lên những cuộc tranh luận về tương lai của công việc lập trình. Trong trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 3 với đài truyền hình CCTV, giám đốc điều hành Baidu, Robin Li cho rằng khi khả năng của AI ngày càng mở rộng, các lập trình viên thậm chí có thể trở nên lỗi thời. Ông nói: “Trong tương lai, sẽ không có nghề nào như ‘lập trình viên’, bởi vì gần như bất kỳ ai cũng sẽ có khả năng trở thành lập trình viên”.
Vào tháng 3/2023, ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs đã báo cáo rằng AI tổng quát với khả năng tạo ra văn bản, hình ảnh, video hoặc dữ liệu khác bằng cách sử dụng các mô hình tổng quát có thể thay thế 300 triệu việc làm trên toàn cầu. He Jifeng, giám đốc Học viện công nghệ công nghiệp trí tuệ nhân tạo Thượng Hải thì cho rằng có tới 50% ngành nghề có thể bị AI loại bỏ dần trong khoảng thời gian từ 2030 – 2060.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông, Zhang Liaoyuan, người đứng đầu các sản phẩm Tongyi Lingma vẫn nhấn mạnh về vai trò trung tâm của con người trong quá trình phát triển. Ông khẳng định: “Trong quá trình phát triển, con người luôn là chủ thể và một số công việc vẫn không thể thay thế bằng AI”.