Bà Nguyễn Thị Lệ Huyền được tín nhiệm bầu giữ chức danh Chủ tịch Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam khóa III, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Đại hội cũng bầu ra 57 ủy viên Ban Chấp hành.
✨ ĐỌC RỒI, XEM RỒI > chán mắt quá rồi > tìm hiểu ngay đây Wordpress Theme premium nguồn cấp phát sạch Wordpress Plugin freemium tải ngay miễn phí > tại đây nhé !
Phát biểu tại Đại hội, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt mong muốn, trong nhiệm kỳ tới, Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam sẽ phát huy hơn nữa vai trò “Tập hợp, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau lao động sáng tạo nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, triển khai và ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình; ứng dụng khoa học, công nghệ hạt nhân phục vụ sản xuất và đời sống” như đúng chức năng, nhiệm vụ của Hội. Hội chủ động tham gia vào công tác tư vấn và phản biện nhằm hoàn thiện chính sách thúc đẩy phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, cũng như các quy định đảm bảo an toàn, an ninh hạt nhân.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, nhiệm kỳ qua, Hội đã tích cực tham gia học tập, quán triệt các chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phổ biến đến các hội viên. Hội đã quan tâm, không ngừng củng cố và phát triển tổ chức; đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng năng lượng nguyên tử ở trong và ngoài nước. Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, hội viên, nâng cao năng lực cộng đồng đã được Hội quan tâm, nhất là các khóa huấn luyện chuyên môn về an toàn bức xạ, hạt nhân do các tổ chức chuyên môn trong nước, nước ngoài và tổ chức quốc tế tổ chức. Ngoài ra, hoạt động thông tin, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ của Hội đã góp phần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tin tưởng, phát huy những thành tựu và bài học kinh nghiệm từ các nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ tới, Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ và kế hoạch đề ra. Hội cần tham gia tích cực hơn nữa các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo.
Báo cáo do ông Vương Hữu Tấn, Chủ tịch Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam khóa II trình bày cho thấy, Hội đã có nhiều đóng góp để thúc đẩy phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các ngành kinh tế – xã hội cũng như việc bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân. Thành tựu nổi bật nhất là trong y tế với việc phát triển mạng lưới các cơ sở X-quang, y học hạt nhân và xạ trị trong cả nước phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị bệnh với các kỹ thuật cao như kỹ thuật chẩn đoán CT, PET/CT và các kỹ thuật xạ trị dùng máy gia tốc chùm điện tử, xạ phẫu dùng nguồn phóng xạ (LINAC, Gamma knife, …).
Nhiều chủng loại đồng vị và dược chất phóng xạ đã được sản xuất ở trong nước sử dụng lò phản ứng Đà Lạt và máy gia tốc đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trong nước, nhất là trong giai đoạn đại dịch COVID-19 Việt Nam không thể nhập khẩu được. Công nghệ bức xạ đã tạo ra nhiều chế phẩm phục vụ sản xuất và đời sống, thân thiện môi trường như chế phẩm kích thích tăng trưởng và bảo vệ thực vật, thức ăn nuôi tôm, chế tạo một số loại vật liệu mới bằng cắt mạch và khâu mạch bức xạ,… Các kỹ thuật phân tích hạt nhân đã góp phần đánh giá các loại ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, góp phần cho phát triển bền vững.
Để thực hiện mục tiêu phát triển quốc gia và những cam kết quốc tế, việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử có vai trò, vị trí quan trọng. Do đó, ngành năng lượng nguyên tử phải có định hướng phát triển dài hạn và giải pháp để đáp ứng được các yêu cầu, thách thức trong thời kỳ phát triển mới. Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò tập hợp đội ngũ cán bộ, tư vấn, phản biện, giám định các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và bảo đảm an toàn an ninh hạt nhân.
Nhiệm kỳ 2024 – 2029, Hội Năng lượng nguyên tử Việt Nam sẽ đẩy mạnh công tác tư vấn, phản biện cho các đơn vị ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y tế và tài nguyên môi trường. Hội tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên ngành đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, chuẩn bị đội ngũ chuyên gia, nguồn nhân lực tốt để có thể tư vấn cho Nhà nước khi dự án điện hạt nhân được tái khởi động. Hội tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo về năng lượng nguyên tử.