Theo đó, Apple gửi cảnh báo tới những người dùng iPhone trong diện có nguy cơ trở thành nạn nhân của “cuộc tấn công phần mềm gián điệp đánh thuê”.
✨ ĐỌC RỒI, XEM RỒI > chán mắt quá rồi > tìm hiểu ngay đây Wordpress Theme premium nguồn cấp phát sạch Wordpress Plugin freemium tải ngay miễn phí > tại đây nhé !
Theo nội dung đăng trên trang hỗ trợ ngày 10/4, Apple cho biết kẻ xấu đã cố gắng “khai thác iPhone từ xa thông qua phần mềm gián điệp đánh thuê”. Tuy nhiên, việc này không nhắm đến đa số người dùng mà chỉ những mục tiêu cụ thể, như chính trị gia, nhà báo, tổ chức dân sự, doanh nghiệp.
Apple đã gửi thông báo về mối đe dọa này qua email đăng ký Apple ID cũng như iMessage của những người có thể trở thành nạn nhân ở 92 nước. Ngoài ra, khi đăng nhập trang Apple ID, người dùng cũng nhận được cảnh báo tương tự. Apple cho biết: Tính từ 2021 đến nay, công ty đã gửi thông báo tới người dùng trong diện có nguy cơ ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng không nêu cụ thể.
Ba năm qua, Apple đã đưa ra một số cảnh báo tương tự, nhưng đây là lần đầu hãng sử dụng cụm từ “phần mềm gián điệp đánh thuê”. Trong những lần trước, công ty gọi là “những kẻ tấn công được nhà nước bảo trợ”.
Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo những người dùng nhận được thông báo trên nên liên hệ đến bộ phận kỹ thuật của công ty để được hỗ trợ. Trong khi đó, những người dùng iPhone chưa nhận được cảnh báo cũng cần hết sức cảnh giác với các rủi ro bảo mật.
Ngoài ra, gần đây, nhiều người dùng mạng xã hội đồng loạt chia sẻ thông tin về việc nếu nhận được thông báo “Xác minh ID Apple”, điện thoại sẽ bị chiếm tài khoản. Tuy nhiên, Apple khẳng định các cuộc tấn công mà Apple cảnh báo không liên quan gì đến thông báo “Xác minh ID Apple”.
Theo đó, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến nghị tất cả các tổ chức, cá nhân không đăng tải, chia sẻ, phát tán hoặc bình luận đồng thuận với tin giả, tin sai sự thật, tin gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự. Tất cả những người vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm trước pháp luật.
Cùng với cảnh báo đáng lưu ý trên, thời gian qua, một số hình thức lừa đảo trên không gian mạng đã được Cục An toàn thông tin phát cảnh báo nhưng vẫn xảy ra một số vụ việc đáng chú ý như:
Cảnh báo chiêu trò tạo hoá đơn chuyển tiền chiếm đoạt tài sản
Trong hai ngày 5 và 6/4, Công an phường Cốc Lếu, TP Lào Cai nhận được đơn trình báo của hàng loạt loạt người dân về việc bị Hạ Thị Ngọc (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức tạo hóa đơn giả qua điện thoại để mua hàng.
Cơ quan Cảnh sát điều tra cho biết, đối tượng Hạ Thị Ngọc đã chụp mã QR của các cửa hàng rồi gửi cho một người tên Hoài để tạo hóa đơn 2.000.000 đồng mua quần áo ở quán của anh Vũ Hoài Dương, tạo hóa đơn 650.000 đồng để trả tiền quán cơm của anh Đặng Văn Dương và tạo hóa đơn 1.000.000 đồng để mua ví của chị Hoàng Thị Thanh Hoa. Được biết đối tượng Ngọc quen Hoài qua mạng xã hội nên không biết chính xác Hoài là người ở đâu.
Tại cơ quan Công an, đối tượng khai nhận nhận do cần tiền tiêu xài nên Ngọc đã liên tiếp thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại nhiều cửa hàng trên địa bàn TP Lào Cai, đồng thời khai nhận đã nhờ 1 đối tượng tên Hoài làm hóa đơn chuyển tiền giả với tiền công là 70.000 đồng.
Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nếu sử dụng giao dịch qua tài khoản ngân hàng cần lưu ý kỹ hóa đơn chuyển khoản, không giao hàng hóa cho bất kỳ ai khi chưa nhận được tiền trong tài khoản ngân hàng, kể cả khi kẻ gian cung cấp hình ảnh đã chuyển khoản thành công. Ngoài ra, hình ảnh “giao dịch thành công” bị làm giả có một số đặc điểm khác với hình ảnh từ ngân hàng chính thống về màu sắc, phông chữ, thời gian… Lưu ý, không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu ứng dụng, mã xác thực OTP, email… cho bất kỳ ai kể cả khi người đó tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước.
Sập bẫy hẹn hò online, người phụ nữ bị chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng
Ngày 8/4, Công an Hà Nội cho biết thời gian qua, đơn vị đã cảnh báo nhiều trường hợp khi tham gia hẹn hò online đã bị dụ dỗ đầu tư tài chính rồi bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng, có trường hợp lên tới hàng tỷ đồng.
Thủ đoạn của những đối tượng lừa đảo là tìm kiếm nạn nhân thông qua các ứng dụng hẹn hò trực tuyến được nhiều người sử dụng như Tinder, EzMatch, Litmatch, Hullo… và tạo các tài khoản với thông tin giả mạo. Sau khi kết bạn và tạo được mức độ tin tưởng, họ sẽ chuyển cuộc trò chuyện sang chủ đề tài chính, khuyến khích nạn nhân tham gia vào đầu tư tài chính đầy hấp dẫn. Thậm chí, đối tượng lừa đảo còn cho nạn nhân vào tài khoản của mình để nạn nhân nhìn thấy lợi nhuận và tự đề nghị cùng tham gia đầu tư.
Gần đây nhất, chị T (ngụ Hà Đông, Hà Nội) tham gia hẹn hò online và được một người nhắn tin, xưng hô là vợ chồng. Người này đã nhờ chị T đăng nhập tài khoản của đối tượng trên trang web: http://mexcglobali66.com để giao dịch mua chứng khoán để kiếm lợi nhuận.
Qua vài ngày đăng nhập, nhận thấy khoản lợi nhuận thu được cao, chị T đã nhờ “chồng hờ” dạy đăng ký để giao dịch mua chứng khoán. Chị T đã chuyển 914 triệu đồng tham gia đầu tư, nhưng sau đó số tiền này đã bị chiếm đoạt.
Để không xảy ra những sự việc tương tự, Cục An toàn toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần cảnh giác khi tham gia các ứng dụng hẹn hò online, lời mời kết bạn từ các người lạ trên các mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò online. Cẩn trọng khi tham gia ứng dụng, trang web đầu tư tài chính online có nhiều rủi ro. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ với cơ quan Công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.
Lừa đảo bán điện thoại giá rẻ, chiếm đoạt hơn 90 tỷ đồng
Công an Hà Tĩnh đã khởi tố vụ án, khởi tố 22 bị can về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; thu giữ 20 máy tính các loại, khoảng 3.000 điện thoại chất lượng kém, hàng giả là công cụ các đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội, cùng nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan.
Qua nắm tình hình từ các nạn nhân, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức lừa bán điện thoại di động giá rẻ trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Shopee, Lazada, TikTok, Tiki. Các đối tượng đăng tải hình ảnh của điện thoại thông minh chính hãng với giá rẻ hơn rất nhiều so với thực tế, chỉ từ 1,5 triệu đồng đến 2 triệu đồng, sau đó giao hàng là sản phẩm giả.
Tiếp đó, cơ quan điều tra xác định Đặng Thị Thêm và Lê Quang Vinh là mắt xích trong đường dây lừa đảo do Bùi Thị Hương (sinh năm 1981), trú tại khu biệt thự thuộc xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội là chủ mưu, cầm đầu.
Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân chỉ nên thực hiện giao dịch khi đã xác nhận được uy tín và đảm bảo người bán có đủ thông tin chi tiết về sản phẩm, hình ảnh chất lượng và mô tả chính xác. Tuyệt đối tỉnh táo khi đọc các đánh giá của người mua khác về chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, người dân cũng nên tìm hiểu về chính sách bảo hành và hoàn tiền của bên bán hàng để đảm bảo quyền lợi cho bản thân.